Nhiều người cho rằng, chỉ khi mũ bảo hiểm bị nứt/ vỡ mới cần thay mới. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng mũ bảo hiểm chỉ bảo vệ đầu của bạn tốt nhất trong lần va đập đầu tiên, tức là khi bị va chạm mạnh, mũ đã không còn khả năng bảo vệ bạn tốt nhất. Vì sao lại như thế? Hãy cùng Bulldog tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé.
Bộ phận nào của mũ bảo hiểm sẽ bảo vệ đầu người đội?
Theo thông tư liên tịch tháng 6 năm 2023, quy định một chiếc mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn cần có 3 bộ phận chính: vỏ mũ, mút xốp và dây đeo. Đây cũng chính là 3 bộ phận chính bảo vệ an toàn cho đầu của người đội với những công dụng sau:
Vỏ mũ sẽ giúp ngăn chặn các va đập trực tiếp vào đầu người đội, bảo vệ đầu của bạn khỏi va chạm với các vật nhọn, gờ vỉa hè, đá, các bộ phận kim loại nhọn trên xe,…
Vỏ mũ thường được chế tạo từ vật liệu có khả năng chịu va đập cao như nhựa ABS nguyên sinh hoặc cao cấp hơn là sợi thuỷ tinh và sợi carbon với đặc tính chịu lực, chịu va đập tốt.
Mút xốp EPS là đệm hấp thu xung động bên trong thân mũ (đệm bảo vệ), có tác dụng giảm chấn động tới đầu người đội mũ. Lớp này đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lực tác động vào phần đầu khi xảy ra va chạm, giúp hấp thụ và triệt tiêu lực truyền từ vỏ mũ vào bên trong mũ đảm bảo an toàn một cách tối đa cho phần đầu của người đội khi có tai nạn hay va chạm xảy ra.
Dây quai có vai trò quan trọng trong việc giữ chặt nón với đầu người lái trong trường hợp va chạm hoặc sốc mạnh.
Ngoài ra, mũ bảo hiểm dành cho người lái mô tô/ xe gắn máy bắt buộc đạt tiêu chuẩn an toàn QCVN tại Việt Nam. Tốt hơn nữa là đạt các chuẩn an toàn thế giới như ECE, DOT.
Vì sao không nên dùng lại mũ đã qua va chạm?
Việc sử dụng nón bảo hiểm đã qua va chạm có thể dẫn đến nguy hiểm nghiêm trọng. Trên thực tế, mũ bảo hiểm chỉ bảo vệ đầu của bạn hiệu quả nhất trong lần va chạm mạnh đầu tiên, đây cũng là lúc mũ bảo hiểm hoàn thành sứ mệnh của nó.
Phần vỏ mũ bảo hiểm có thể bị hư hại ngay cả khi trông nó vẫn ổn hoặc chỉ có vài vết xước nhỏ, khu vực bị hư hại đó sẽ không còn khả năng bảo vệ vào lần tiếp theo.
Snell, một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận ở Hoa Kỳ, tuyên bố trên trang web của họ rằng lớp lót xốp bảo vệ trong mũ bảo hiểm bắt đầu bị nát và vỡ ngay cả khi gặp những va chạm nhỏ nhất. Một khi lớp bảo vệ của mũ (vỏ mũ, mút xốp EPS) bị tổn hại, mũ bảo hiểm gần như hoàn toàn vô dụng khi nó không còn có thể hấp thụ nhiều lực tác động lên đầu người lái xe như trước.
Khi xảy ra va chạm, vỏ mũ và lớp đệm xốp bên trong sẽ phân tán và hấp thu xung động, giữ cho đầu của người sử dụng an toàn, các va chạm tiếp theo sẽ giảm bớt đi tác dụng. Ngay cả những vụ va chạm nhẹ cũng có thể khiến mút xốp EPS của mũ giảm độ nén, với những tình huống va chạm mạnh bất ngờ sau này rất có khả năng gây nguy hiểm cho người đội.
Vì thế, lời khuyên dành cho các Riders chính là hãy lựa chọn cho bản thân những chiếc mũ bảo hiểm mới chính hãng, vì rất khó có thể nhận biết hỏng hóc bên trong chiếc mũ bằng mắt thường. Một chiếc mũ bảo hiểm sang tay có ngoại quan hoàn hảo, nguyên vẹn, tuy nhiên vẫn có khả năng nó đã bị hỏng ở bên trong mũ.
Nếu không có va chạm mạnh, nên thay mới mũ bảo hiểm sau thời gian bao lâu?
Cơ quan kiểm nghiệm của chính phủ Hoa Kỳ, Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (CPSC), khuyến nghị thay mũ bảo hiểm sau mỗi 5 đến 10 năm. Với Snell, tổ chức cũng khuyến nghị người dùng thay mới mũ bảo hiểm sau 5 năm sử dụng. Nhiều nhà sản xuất mũ bảo hiểm khác khuyên thay mới mũ bảo hiểm sau ba năm.
Trên thực tế, mút xốp EPS của mũ bảo hiểm hầu như không bị phân hủy, nhưng phần còn lại của mũ bảo hiểm thì có thể. Lớp vỏ mũ bảo hiểm có thể lão hóa bởi tia UV và trở nên giòn hơn nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.
Dây quai cằm cũng có thể bị mòn do mồ hôi, muối và vết bẩn nói chung, khóa mũ cũng thế! Mũ bảo hiểm chỉ có thể bảo vệ đầu của bạn tốt nếu vừa vặn và được cố định đúng vị trí.
Không có lý do gì để vứt một chiếc mũ bảo hiểm còn tốt vào bãi rác mỗi năm một lần, với Bulldog, chúng tôi còn có chính sách bảo hành sản phẩm 2 năm chính hãng. Tuy nhiên, khi mũ của bạn đã bị va đập mạnh, đừng tiếc vài triệu để đổi lấy sự an toàn tính mạng cho chính mình.